Giải mã các câu hỏi phỏng vấn thường gặp và cách tạo nét khi xin việc
Tùy thuộc vào câu trả lời và cách mà bạn trả lời mà nhà tuyển dụng sẽ đánh giá đây có phải là một ứng viên phù hợp với vị trí mà họ tìm kiếm hay không. Cùng tìm hiểu các câu hỏi phỏng vấn trong từng trường hợp cụ thể dưới đây cùng ThuthuatOffice.
Nội Dung Bài Viết
Các câu hỏi phỏng vấn về thái độ
Ngoài các câu hỏi về kinh nghiệm và năng lực làm việc như: bạn hãy giới thiệu về bản thân mình, bạn đã đạt được những thành tựu gì/học hỏi được những gì từ công việc trước đây của mình, bạn nghĩ điều gì khiến bản thân phù hợp với vị trí này… các câu hỏi phỏng vấn về thái độ được các nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng để tìm hiểu về quan điểm sống, điểm mạnh, điểm yếu và mindset của ứng cử viên.
- Hãy chia sẻ về thời điểm bạn được yêu cầu làm nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Bạn xác định việc ưu tiên như thế nào và vì sao?
Đây là câu hỏi kiểm tra khả năng làm việc đa nhiệm với áp lực cao và kỹ năng sắp xếp công việc của bạn. Hãy chứng minh bằng cách đưa ra ví dụ một thời điểm công việc tăng đột ngột (thời điểm lễ, cuối năm, chạy dự án mới…) và nêu các công việc cụ thể bạn phải chịu trách nhiệm. Trong đó bạn lựa chọn giải quyết công việc nào đầu tiên và điều này đã ảnh hưởng tích cực đến kết quả cuối cùng ra sao.
- Ai cũng sẽ trải qua những ngày tuyệt vời và kém tuyệt vời trong công việc. Hãy mô tả một ngày tuyệt vời của bạn và lý do vì sao đó là một ngày tuyệt vời của bạn.
Câu hỏi này nhằm kiểm tra mức độ hài lòng trong công việc và tư duy sống tích cực của bạn. Hãy thành thật trong câu trả lời của mình và đồng thời hãy suy nghĩ tích cực hơn về những gì khiến bạn cảm thấy hài lòng trong cuộc sống cũng như công việc.
- Mô tả một tình huống mà bạn có sự ảnh hưởng tích cực lên người khác. Bạn đã có hành động gì, cách người khác phản ứng ra sao và vì sao bạn nghĩ điều đó là tích cực?
Đây là một trong những câu hỏi khá hay để tìm hiểu thái độ sống của ứng viên và cách họ tương tác với những người xung quanh. Trong số các trải nghiệm tích cực của mình, bạn hãy chọn câu chuyện bạn đã tương tác và truyền cảm hứng cho đồng nghiệp của mình ra sao. Sẽ là một điểm cộng nếu bạn là người có nhiều cảm hứng trong công việc và có tinh thần làm việc đồng đội.
- Hãy chia sẻ về một thời điểm mà mọi việc không vận hành theo cái cách mà bạn mong muốn. Không được thăng chức, không được tăng lương, dự án không thành công như mong đợi.
Câu hỏi này sẽ nói lên rất nhiều điều về bạn. Khi mọi việc đều không thuận lợi, bạn lựa chọn điều gì: đổ lỗi, tự chỉ trích bản thân hay tìm thấy cơ hội cho sự phát triển? Đây là câu hỏi của Tony Knopp, CEO và nhà đồng sáng lập của Spotlight Ticket Management để tìm hiểu liệu ứng cử viên có sẵn sàng nhận nhiều vai trò khác nhau trong công việc không và cách họ tiếp cận vấn đề như thế nào.
- Hãy chia sẻ về khoảng thời gian mà bạn quá tải về công việc và không thể hoàn thành công việc đúng thời hạn. Khi đó bạn đã chọn cách giải quyết như thế nào?
Một câu hỏi khác về kỹ năng sắp xếp thời gian và ưu tiên công việc của ứng viên. Đừng cố gắng tỏ ra hoàn hảo bằng cách trả lời mình sắp xếp thời gian thông minh ra sao và luôn luôn đúng thời hạn. Hãy thành thật và chia sẻ cách để bạn đối mặt với khối lượng công việc đó.
- Vì sao bạn làm công việc này trong… năm tại công ty cũ?
Đây là một cách hỏi khác cho câu hỏi vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ. Câu trả lời sẽ mô tả bức tranh toàn cảnh về lịch sử làm việc của bạn. Đâu là động lực trong công việc, lòng trung thành của bạn, tư duy trong công việc của bạn và điều gì bạn cho là quan trọng trong công việc.
- Bạn không thích làm việc gì nhất?
Thông thường chúng ta luôn điều hướng bản thân và CV theo hướng có lợi cho công việc mình sắp phỏng vấn. Đây là câu hỏi sẽ tìm ra đâu là điểm bạn không phù hợp cho vị trí này. Ví dụ bạn phỏng vấn vào vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng nhưng lại ngại nói chuyện và gặp gỡ những người mới chẳng hạn.
- Chia sẻ về đóng góp của bạn cho một dự án hoặc ý tưởng mới của công ty.
Hãy thể hiện mình là một người chủ động trong công việc và vì kết quả chung. Đôi khi ý tưởng hoặc dự án đó không phải do bạn chịu trách nhiệm chính nhưng bạn đã có những đóng góp và sáng kiến nào để hiệu quả công việc tăng lên.
- Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi hay không?
Đây là câu hỏi kiểm tra mức độ nghiêm túc khi tìm hiểu công việc và sự tôn trọng của bạn đối với nhà tuyển dụng. Hãy tìm hiểu về công việc mà mình muốn xin vào và nhà tuyển dụng. Các câu hỏi liên quan đến quá trình làm việc và những giá trị khác biệt mà công ty muốn tạo dựng sẽ được đánh giá cao.
Các câu hỏi phỏng vấn về học tập
Thông thường các câu hỏi phỏng vấn về học tập sẽ được áp dụng cho đối tượng sinh viên mới ra trường, xin học bổng hoặc các công việc trong môi trường giáo dục như giáo viên, giáo vụ, trợ giảng, nhân viên đào tạo…
- Bạn đã từng học được gì từ một ai đó rất khác bạn chưa?
Đây là câu hỏi nhằm thấy được sự linh hoạt trong suy nghĩ cũng như khả năng học hỏi và tiếp nhận của bạn. Ngoài ra, câu trả lời còn cho thấy con người mà bạn đang hướng đến trong tương lai.
- Bạn có tham gia các hoạt động ngoại khóa nào không?
Hãy có sự chọn lọc trong câu trả lời. Hướng đến các hoạt động ngoại khóa mang tính chất phát triển bản thân và nghề nghiệp trong tương lai. Đặc biệt bạn nên nêu rõ những hoạt động có liên quan đến ngành nghề mà mình đang phỏng vấn. Ví dụ: các câu lạc bộ ngôn ngữ, làm cộng tác viên viết bài cho báo hoặc quản lý các kênh mạng xã hội.
- Thành tích bạn đã đạt được trong quá trình học tập là gì?
Câu trả lời sẽ nói lên mức độ nghiêm túc trong học tập của bạn. Hãy nêu những thành tích nổi bật mà bạn có như học bổng, giải thưởng, tham gia cuộc thi… Trong trường hợp bạn chưa đạt được những thành tích đáng kể, hãy tập trung vào các hoạt động ngoại khóa mang tính chất phát triển bản thân và các hoạt động nhóm trên lớp mà trong đó bạn đóng vai trò quan trọng.
- Ai là người mà bạn ngưỡng mộ?
Đây chính là hình tượng mà bạn hướng đến trong tương lai. Hãy nêu rõ điều gì làm bạn ngưỡng mộ ở họ và bạn học tập ở họ những gì. Cách bạn áp dụng điều đó vào thực tế ra sao. Qua đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được bạn có tiềm năng phù hợp với công việc hay không.
- Hãy mô tả về phong cách làm việc/học tập của bạn.
Thông thường đối với sinh viên mới ra trường/người mới bắt đầu, các bạn sẽ không có điểm mạnh về kinh nghiệm làm việc nhưng thay vào đó, phong cách làm việc/học tập của các bạn sẽ thể hiện thái độ nghiêm túc và cầu tiến trong công việc của bạn.
- Bạn có cảm nhận như thế nào về môn…/theo bạn ngành giáo dục cần phải làm gì để học sinh có cảm hứng với môn này hơn?
Câu hỏi dành cho các giáo viên hoặc trợ giảng cho một môn học nào đó. Nêu cảm nghĩ của bạn về tình hình hiện tại và cách để bạn truyền cảm hứng cho học viên trong bộ môn này.
Các câu hỏi phỏng vấn bằng tiếng Anh
Đây là một trong những kỹ năng bắt buộc trong thời điểm hiện tại, khi ngôn ngữ là một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong công việc và tự tìm hiểu thông tin. Kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ là một trong những điểm cộng lớn khi phỏng vấn xin việc. Để trả lời phỏng vấn trôi chảy, bạn nên có sự chuẩn bị từ trước, tránh để xảy ra trường hợp vấp váp vì không biết cách diễn đạt ý. Cùng tìm hiểu các câu hỏi phỏng vấn bằng tiếng Anh sau và chuẩn bị tốt để thể hiện một cách trôi chảy trong phỏng vấn.
- Tell me about yourself/Please introduce yourself/How do you describe yourself?: Hãy giới thiệu về bản thân của bạn.
- How did you hear about this position? Làm như thế nào mà bạn biết về công việc này?
- Why do you want this job?: Vì sao bạn muốn xin vào vị trí này?
- What are your biggest weaknesses?: Điểm yếu của bạn là gì?
- What are your biggest strengths?: Điểm mạnh của bạn là gì?
- Where do you see yourself in five years?: Kế hoạch 5 năm tiếp theo của bạn là gì?
- Out of all the candidates, why should we hire you?: Vì sao bạn phù hợp với vị trí này so với tất cả các ứng viên còn lại?
- What do you consider to be your biggest professional achievement?: Chia sẻ về thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp của bạn là gì?
- Tell me about the last time a co-worker or customer got angry with you. What happened?: Chia sẻ về một lần xảy ra mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc khách hàng. Bạn xử lý tình huống như thế nào?
- Describe your dream job: Mô tả về công việc mơ ước của bạn.
- Why do you want to leave your current job? Vì sao bạn xin nghỉ việc ở công ty cũ.
- What kind of work environment do you like best?: Bạn thích một môi trường làm việc như thế nào?
- What is your leadership style?: Phong cách quản lý của bạn là gì?
- What can we expect from you in your first three months?: Trong vòng 3 tháng đầu tiên bạn sẽ làm việc như thế nào?
- What was your salary in your last job?: Mức lương cho công việc cũ của bạn là bao nhiêu?
- What questions do you have for me?: Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
Các câu hỏi phỏng vấn cho người có kinh nghiệm
Thông thường đối với những ứng viên đã có kinh nghiệm. Các câu hỏi phỏng vấn sẽ xoay quanh về kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, khả năng xử lý tình huống, mức lương mong muốn và những đóng góp có thể mang lại cho công ty. Hãy trung thực về khả năng của mình và những thay đổi tích cực bạn có thể đóng góp.
- Hãy nêu những thành tựu bạn đã gặt hái được trong công việc cũ.
Bạn hãy liệt kê những thành công đáng kể và có giá trị đối với công việc mới. Thêm vào đó, hãy kèm một số sáng kiến bạn đã áp dụng thành công và gợi ý vận dụng vào công việc mới. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao nếu bạn có tư duy đổi mới trong công việc và mong muốn được cống hiến.
- Chia sẻ kế hoạch trong tương lai 5 năm tới của anh chị.
Câu hỏi này nhằm xác định việc bạn có ý định gắn bó lâu dài với công ty hay không. Công việc này thực sự mang lại giá trị phát triển lâu dài của bạn hay không. Ngoài ra, việc có kế hoạch cho tương lai thể hiện bạn là người chủ động và có mục tiêu phát triển cho bản thân.
- Điều gì là quan trọng nhất trong công việc của bạn.
Câu hỏi này sẽ xác định bạn trân trọng những giá trị gì trong công việc. Dù là thu nhập, kiến thức, mối quan hệ hay môi trường làm việc, hãy thành thật với câu trả lời của mình. Vì tất cả các giá trị trên đều có ý nghĩa riêng và là những yếu tố quan trọng để bạn quyết định gắn bó lâu dài với công việc mới. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu về văn hóa, sứ mệnh của công ty để đưa ra những câu trả lời thích hợp, thể hiện bạn hoàn toàn phù hợp với môi trường mới này.
- Trong bao lâu bạn có thể đóng góp cho công ty?
Hãy thực tế. Cho dù bạn đã có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tương tự nhưng mỗi môi trường sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm rất khác biệt. Bạn cần thời gian để làm quen và học hỏi trước khi cống hiến và cải tiến. Câu trả lời thực tế nhất là từ 6 tháng đến 1 năm làm việc.
- Năng lực làm việc của bạn vượt quá yêu cầu của công việc, bạn nghĩ sao về việc này?
Bạn có đang tự đánh giá thấp bản thân hoặc xem đây là một giải pháp tạm thời trước khi tìm được một sự lựa chọn khác tốt hơn? Hãy chứng tỏ bạn có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình và mình có thể học hỏi thêm ở công việc mới.
- Phong cách quản lý của bạn là gì?
Trong trường hợp vị trí mong muốn của bạn là quản lý, hãy mô tả cách bạn làm việc, hỗ trợ và đào tạo nhân viên. Tốt hơn hết bạn nên tìm hiểu trước về văn hóa công ty để có câu trả lời thích hợp.
- Mô tả một tình huống khó khăn trong vấn đề quản lý và cách giải quyết.
Hãy lựa chọn một tình huống có thể làm nổi bật kỹ năng xử lý tình huống, xây dựng tinh thần đồng đội và quản lý nhân sự của bạn. Cách xử lý theo định hướng của văn hóa công ty mới sẽ là một điểm cộng cho bạn.
- Bạn học được những gì từ sai lầm của bản thân?
Câu trả lời sẽ cho thấy bạn đối mặt như thế nào với những sai lầm của bản thân. Việc đổ lỗi hoàn cảnh hay tự chỉ trích bản thân không có tác dụng trong trường hợp này. Hãy thành thật chỉ ra sai sót của mình và hướng bạn khắc phục hậu quả mà không làm ảnh hưởng đến kết quả chung và không gây thiệt hại cho công ty.
- Mô tả một thời điểm bạn phải chịu áp lực lớn từ công việc và cách bạn xử lý tình huống.
Câu hỏi này nhằm kiểm tra khả năng làm việc dưới áp lực cao và kỹ năng sắp xếp thời gian và thứ tự ưu tiên trong công việc. Đừng cố gắng tỏ ra hoàn hảo khi trả lời mình chưa bao giờ gặp trường hợp bị quá tải. Không có gì là kém chuyên nghiệp khi yêu cầu trợ giúp từ người khác để công việc chung được hoàn thành.
- Mô tả một số tình huống khi bạn bị phê bình.
Khi xảy ra lỗi bạn có dám tự chịu trách nhiệm về mình không và cách bạn khắc phục như thế nào.
- Bạn có những hoạt động giải trí nào sau giờ làm việc?
Bạn có thể cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc hay không. Thông thường để cơ thể trong trạng thái tốt nhất cho công việc, bạn cần có một lối sống lành mạnh và chú ý đến vấn đề sức khỏe. Hãy chia sẻ với nhà tuyển dụng cách bạn cân bằng cuộc sống của mình và điều này giúp ích ra sao cho công việc cũng như sự phát triển bản thân của bạn.
- Nhân viên cấp dưới của bạn suy nghĩ gì về bạn?
Cách bạn tương tác với cấp dưới sẽ nói lên phong cách quản lý của bạn. Hãy đề cập đến những thành tựu mà bộ phận của bạn đạt được cũng như sự gắn kết của mọi người trong đội nhóm. Không khí làm việc sẽ phản ánh rất nhiều về trạng thái cảm xúc của nhân viên trong bộ phận.
Các câu hỏi phỏng vấn hay và khó
Dưới đây là những câu hỏi mà nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng để đánh giá ứng viên có phù hợp với yêu cầu công việc hay không. Đặc biệt một số câu hỏi còn phản ánh tư duy, quan điểm sống, khả năng phản ứng và kỹ năng mềm của ứng viên.
- Bạn nghĩ mình có phù hợp với vị trí này không?
- Bạn đã tìm hiểu về công ty chưa?
- Bạn đối mặt với áp lực công việc như thế nào?
- Điều gì làm bạn không hài lòng nhất về công việc cũ?
- Lý do bạn thay đổi công việc cũ?
- Bạn thích làm việc độc lập hay theo nhóm?
- Bạn coi trọng điều gì hơn giữa tiền bạc và công việc?
- Nếu sếp làm sai, bạn sẽ làm gì?
- Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi không?
Các câu hỏi phỏng vấn cho nhà tuyển dụng
Để tìm ra ứng viên phù hợp cho một vị trí bất kỳ, nhà tuyển dụng cần chuẩn bị bộ câu hỏi phù hợp để đánh giá một cách toàn diện nhất có thể. Dưới đây là các bộ câu hỏi dùng cho từng nhóm kỹ năng.
Nhóm các câu hỏi phỏng vấn kỹ năng quản lý thời gian
- Bạn có phải quản lý nhiều công việc khác nhau. Bạn đã có kinh nghiệm nào tương tự chưa?
- Bạn đã lên kế hoạch thế nào để có thể hoàn thành nhiều công việc quan trọng cùng lúc?
- Nếu đã từng hoàn thành một kế hoạch dài hạn, làm thế nào để bạn đảm bảo mọi thứ tiến hành tốt đẹp theo đúng tiến độ?
- Bạn đã từng tự vạch ra mục tiêu cho chính mình chưa? Làm thế nào để bạn hoàn thành công việc đó một cách hoàn hảo?
- Có khi nào thất bại trong việc kiểm soát công việc hay chưa? Hãy chia sẻ phương án giải quyết hay trong tình huống đó.
Nhóm các câu hỏi phỏng vấn kỹ năng thích nghi
- Hãy chia sẻ các kinh nghiệm bạn có được từ công việc đầu tiên.
- Bạn đã đối mặt thế nào với những thay đổi trong nhóm hoặc công ty?
- Có bao giờ bạn gặp thất bại trong công việc? Cách thức để vượt qua nó như thế nào?
- Vượt qua được áp lực nặng nề trong công việc là điều rất quan trọng. Bạn hãy chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
- Có những lúc nhân viên cần tự ứng biến khéo léo ngay tức khắc để giải quyết một tình huống bất ngờ. Bạn đã từng gặp những khó khăn tương tự chưa?
Nhóm các câu hỏi phỏng vấn kỹ năng chăm sóc khách hàng
- Bạn đã tiếp xúc và phục vụ cho nhiều khách hàng cùng lúc. Vậy bạn làm thế nào để làm hài lòng và giải quyết nhu cầu của từng người?
- Bạn đã từng làm cho khách hàng thất vọng chưa? Điều gì đã xảy ra và làm thế nào để có thể sửa chữa tình huống đó.
- Bạn hãy mô tả thời điểm khi tạo một ấn tượng tốt với khách hàng quan trọng.
- Bạn sẽ phải làm thế nào?
- Hãy chia sẻ kinh nghiệm làm khách hàng hài lòng trong các công việc đã làm trước đây của bạn
- Bạn có cách nào để làm vui lòng một khách hàng khó tính? Bạn đã từng gặp phải tình huống như vậy hay chưa?
Nhóm các câu hỏi phỏng vấn kỹ năng làm việc nhóm
- Bạn có bất đồng với đồng nghiệp trước đây không? Hãy chia sẻ về cách bạn giải quyết. Nếu được quay lại bạn có muốn thay đổi quyết định nào của bản thân hay không?
- Bạn thích nghi với môi trường mới, đồng nghiệp mới như thế nào?
- Hãy chia sẻ các bạn tương tác với một thành viên có tính cách hoàn toàn khác biệt.
- Một đồng nghiệp không thích hợp tác và giao tiếp với mọi người. Bạn muốn làm gì để có thể trao đổi thông tin với người đó khi cần thiết.
Cách trả lời phỏng vấn xin việc
Ngoài nội dung câu trả lời, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn qua cách trả lời. Tham khảo thêm những điều cần tránh trong khi phỏng vấn xin việc để có ấn tượng tốt nhất với nhà tuyển dụng.
- Kỹ năng giao tiếp kém: Để thể hiện mình là một ứng cử viên sáng giá và tự tin, bạn cần trang bị thêm về kỹ năng giao tiếp như ngôn ngữ cơ thể, giao tiếp bằng mắt…
- Nói quá nhiều về bản thân: Trừ khi đó là những thông tin nhà tuyển dụng cần biết về bạn, việc thao thao bất tuyệt về bản thân là một điều nên tránh trong phỏng vấn xin việc.
- Hoặc nói quá ít: Khi nhận được câu hỏi từ nhà tuyển dụng, bạn nên trả lời và giải thích cho câu trả lời của mình với lượng thông tin vừa đủ. Tránh kiểu trả lời có-không hoặc không đầy đủ ý.
- Trả lời sai câu hỏi: Điều này sẽ làm mất cơ hội tuyển dụng của mình. Hãy chắc chắn rằng mình hiểu đúng câu hỏi. Trong trường hợp bạn chưa hiểu rõ, hãy hỏi lại nhà tuyển dụng và cẩn thận đưa ra câu trả lời.
- Không đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng: Hãy chứng tỏ rằng bạn có tìm hiểu về công ty và quan tâm đến công việc ứng tuyển bằng cách đặt câu hỏi. Thông thường ứng viên có sự chuẩn bị sẽ được đánh giá về thái độ cao hơn.
Xem thêm:
- 4 thời điểm uống nước sai bạn cần bỏ ngay
- Điểm danh 6 chứng bệnh mà dân văn phòng thường hay gặp phải nhất
Để đạt được kết quả mong muốn khi xin việc, hãy chuẩn bị cho các câu hỏi phỏng vấn và tìm hiểu về công ty bạn ứng tuyển. Đồng thời rèn luyện kỹ năng giao tiếp để dễ dàng ghi điểm với nhà tuyển dụng. ThuthuatOffice chúc bạn có được công việc như ý và đừng quên Like bài viết nếu bạn thấy hữu ích.
Dân Văn Phòng -