Telesale là gì? Có thật sự chỉ là gọi điện được thì được không được thì thôi?
Telesale là gì? Đây hẳn là một cụm từ không còn mấy xa lạ với mọi người, đặc biệt là trong thời điểm mà marketing ngày càng phổ biến và công nghệ thì lại ngày càng hiện đại. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ mình đã hiểu hết về Telesale hay chưa ? Hãy cùng ThuthuatOffice khám phá qua bài viết này nhé.
Nội Dung Bài Viết
- 1 Telesale là gì?
- 2 Ai phù hợp làm Telesale
- 3 Kỹ năng cần thiết của một Telesale là gì?
- 4 Yêu cầu công việc Telesale là gì?
- 5 Công việc Telesale có phải chỉ gọi điện cho khách hàng?
- 6 Mẫu kịch bản chung của Telesale
- 7 Lương cơ bản của Telesale
- 8 Lộ trình thăng tiến của Telesale
- 9 Lĩnh vực nào cần Telesale?
- 10 Sinh viên chưa tốt nghiệp có làm Telesale được không?
Telesale là gì?
Telesale là một danh từ viết tắt hợp thành bởi tiền tố “tele” (viễn thông) và hậu tố “sale” (nhân viên kinh doanh), hiểu đơn giản là kinh doanh hay tiếp thị qua điện thoại. Telesale là hình thức marketing trực tiếp được sử dụng phổ biến ở các công ty, tập đoàn lớn nhỏ trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ bất động sản, bảo hiểm nhân thọ đến giáo dục, y tế hay các dịch vụ tư vấn và chăm sóc khách hàng.
Ai phù hợp làm Telesale
Telesale là một vị trí thường xuyên tuyển nhân lực, tính chất công việc không yêu cầu trình độ chuyên môn cao nên cơ hội ứng tuyển rất rộng mở đối với sinh viên và các bạn mới ra trường, hay thậm chí là các ứng viên có bằng tốt nghiệp cấp ba hoặc trung cấp. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng lại rất chú trọng đến khả năng chốt sale và thuyết phục khách hàng của bạn. Vì vậy đây sẽ là công việc phù hợp với những bạn có tính cách hướng ngoại, khéo léo trong giao tiếp và có định hướng đi theo ngành kinh doanh hoặc bán hàng.
Kỹ năng cần thiết của một Telesale là gì?
Telesale thường bị hiểu lầm là một nghề dễ dàng và ít bận rộn, nhưng thực chất lại yêu cầu rất nhiều kĩ năng. Dưới đây là những kĩ năng mà bạn nên trang bị cho bản thân nếu muốn trở thành một nhân viên telesale giỏi.
Kỹ năng giao tiếp
Giao tiếp là một kĩ năng quan trọng và cần thiết nhất đối với một nhân viên Telesale. Đây là nghề tương tác chủ yếu bằng lời nói nên một giọng nói nhẹ nhàng và thu hút sẽ tạo cảm giác thân thiện, dễ gần và để lại ấn tượng tốt đối với người nghe.
Ngoài ra, điểm hạn chế lớn nhất của Telesale là giới thiệu sản phẩm gián tiếp thông qua điện thoại nên khách hàng sẽ có xu hướng từ chối cuộc gọi khi bạn vừa mới bắt đầu. Vì vậy, bạn cần trình bày rõ ràng, ngắn gọn để khách hàng có thể nắm bắt được thông tin cần thiết về sản phẩm.
Kỹ năng nắm bắt thông tin và tâm lý khách hàng
Để có thể chốt đơn thành công, bạn cần tìm hiểu và nắm bắt được thông tin về loại hình sản phẩm hay dịch vụ mà bạn đang quảng cáo. Từ đó có thể đưa ra những lời tư vấn chi tiết và thuyết phục được các khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, việc thấu hiểu tâm lí khách hàng là một điểm cộng cực lớn trong mắt các nhà tuyển dụng. Hãy quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng hơn là ép buộc họ phải sử dụng sản phẩm của bạn. Mẹo nhỏ hữu ích này sẽ giúp bạn chốt sales nhanh chóng mà không phải phí công quá nhiều.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Trong khi thực hiện các cuộc gọi, bạn sẽ thường xuyên gặp phải những ý kiến thắc mắc và khiếu nại từ phía khách hàng. Những tình huống như thế này đòi hỏi bạn phải có kĩ năng phán quyết và xử lý tình huống nhanh nhạy. Sự bình tĩnh và kiên trì sẽ là những trợ thủ đắc lực để bạn có “chiều lòng” được những vị khách khó tính.
Yêu cầu công việc Telesale là gì?
Bạn đã biết Telesale là gì và bạn đang do dự ứng tuyển vào vị trí Telesale? Dưới đây là những yêu cầu thường thấy trong công việc của một Telesale. Hãy tham khảo nhé.
- Sử dụng thành thạo các phần mềm tin học văn phòng.
- Có kinh nghiệm làm việc ở vị trí tương đương hoặc các ngành nghề liên quan đến kinh doanh và bán hàng.
- Thành thạo nghe và nói tiếng Anh là một lợi thế.
- Có khả năng thuyết phục, thương lượng và đàm phán tốt.
- Nắm vững các loại kịch bản nghề nghiệp: chốt sales, đặt hẹn, nhận diện khách hàng tiềm năng…
- Tốt nghiệp THPT trở lên, đang theo học hoặc có bằng tốt nghiệp liên quan đến các khối ngành Kinh tế, Marketing, Quản trị kinh doanh…
- Chịu được áp lực cao từ yêu cầu KPI cho tới việc liên tục bị khách hàng từ chối.
Công việc Telesale có phải chỉ gọi điện cho khách hàng?
Đây là một trong những cái nhìn phiến diện mà mọi người vẫn hay mặc định cho cái nghề bị gắn mắc “gọi điện” này. Trước khi thực hiện một cuộc gọi cho khách hàng, nhân viên Telesale phải thực hiện những quy trình nào? Cùng ThuthuatOffice tìm hiểu nhé.
- Bộ phận Marketing sẽ cung cấp database về khách hàng, nhân viên Telesale có nhiệm vụ tiếp nhận và nghiên cứu để xác định được nhu cầu của những khách hàng mục tiêu.
- Gọi điện cho khách hàng: dựa theo những phân tích ở trên, bạn sẽ chủ động liên hệ cho khách hàng để tiếp thị và thuyết phục họ sử dụng sản phẩm.
- Lên lịch hẹn: đối với những sản phẩm yêu cầu xem trực tiếp, bạn cần lên lịch hẹn để người tiêu dùng có thể trực tiếp trải nghiệm từ đó dẫn đến quyết định mua hàng.
- Chăm sóc khách hàng: đây là một quy trình cần thiết để duy trì mối quan hệ với những khách hàng hiện tại. Một nhân viên Telesale chuyên nghiệp sẽ là người quan tâm đến trải nghiệm của khách hàng trước và sau khi sử dụng sản phẩm.
- Tìm kiếm khách hàng mới: để có thể đạt đủ chỉ tiêu mà công ty đề ra, bạn cần dựa vào những dữ liệu ở trên và tìm kiếm, tiếp cận thêm nhiều người dùng mới, quảng bá rộng rãi sản phẩm của mình đến những đội tượng có nhu cầu.
- Thường xuyên theo dõi tiến độ công việc của bản thân để đưa ra giải pháp hợp lý, khắc phục những điểm chưa tốt ảnh hưởng tới doanh số của doanh nghiệp.
Mẫu kịch bản chung của Telesale
Trước hết, chúng mình cần tìm hiểu mẫu kịch bản Telesale là gì? Mẫu kịch bản Telesale là bản mô tả trình tự các bước để thực hiện cuộc gọi với khách hàng. Tuân theo mẫu kịch bản này sẽ giúp nhân viên Telesale tự tin, không ấp úng trước những câu hỏi của khách hàng, từ đó có thể chốt đơn thành công và nhanh chóng.
Mỗi kịch bản Telesale sẽ có nội dung khác nhau để thay đổi phù hợp với nhiều loại đối tượng phụ thuộc theo như cầu, tiềm năng hay trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, một kịch bản đầy đủ và chuyên nghiệp sẽ bao gồm các nội dụng sau:
Lời giới thiệu mở đầu
Không ai bắt đầu một cuộc đối thoại khi chưa biết gì về đối phương. Bạn cần một lời giới thiệu về bản thân để khách hàng có thể xác định được bạn là ai và mục đích của cuộc gọi này là gì.
Giới thiệu sản phẩm
Đây là bước quan trọng trong quá trình chốt sale. Hãy trình bày ngắn gọn và rõ ràng để người mua có thể nắm được thông tin cũng tính năng của sản phẩm. Đưa ra lợi ích khách hàng nhận được khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ lên đầu tiên sẽ giúp bạn thuyết phục được người mua lắng nghe bạn.
Chốt với khách hàng
Đúng như tên gọi, phần quyết định bạn có thật sự thành công và bán được hàng không. Nêu ra một con số cụ thể để tạo sự khan hiếm cho sản phẩm của bạn nhằm thúc đẩy mong muốn sở hữu của khách hàng.
Ví dụ: Hiện tại bên em chỉ còn đúng duy nhất 5 chiếc tivi được giảm giá 25%. Anh (Chị) có muốn là một trong những người cuối cùng sở hữu sản phẩm với mức giá siêu ưu đãi này không ạ?
Nếu khách hàng đồng ý thì bạn có thể ngay lập tức chốt đơn và bán hàng. Trong trường hợp ngược lại, bạn có thể xin thông tin và địa chỉ email để tiện liên lạc nếu có dịp khuyến mãi sau.
Lời tạm biệt và cảm ơn
Việc một người bỏ thời gian của họ ra để nghe bạn tư vấn là một chuyện đáng mừng đối với nhân viên Telesale. Cuối cùng, hãy nói lời cảm ơn và tạm biệt khách hàng một cách chân thành nhất. Hành động này không những tạo được thiện cảm mà còn thể hiện thái độ tôn trọng của bạn đối với khách hàng.
Lương cơ bản của Telesale
Mức thu nhập của Telesale thường sẽ không cố định, nó tùy thuộc nhiều vào khả năng của bản thân bạn. Hiểu đơn giản, mức lương sẽ được chia làm hai loại: lương cứng và lương mềm. Lương cứng là mức lương cố định mà công ti sẽ trả cho bạn mỗi tháng. Lương mềm là phần trăm hoa hồng hoặc tiền thưởng bạn nhận được khi thực hiện thành công một giao dịch, phần này sẽ phụ thuộc nhiều vào số lượng đơn hàng mà bạn bán được.
Nhìn chung, mức lương cơ bản của nhân viên Telesale sẽ dao động từ 3-8 triệu đồng/tháng đối với những người mới vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, nhân viên chính thức hay người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề sẽ kiếm được khoảng 15-20 triệu đồng/tháng hoặc có thể cao hơn.
Lộ trình thăng tiến của Telesale
Mặc dù Telesale nghe có vẻ đơn giản, nhưng tương tự như bao công việc khác, một người làm Telesale vẫn luôn phải cố gắng hết mình để có một lộ trình thăng tiến nhất định trong lĩnh vực này. Khi mới bắt đầu vào nghề, rất nhiều bạn đã phải chịu nhiều áp lực từ chạy đủ chỉ tiêu KPI và bị khách hàng từ chối nhiều lần.
Quá trình gian nan này sẽ rèn giũa cho bạn sự kiên trì, bền bỉ và đặc biệt là khả năng xử lí tình huống nhanh nhẹn. Nếu được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, bạn sẽ được đào tạo bài bản từ kỹ năng mềm về chuyên môn cho đến cách thức xây dựng nên một kịch bản nghề nghiệp phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Khi đã trở thành một nhân viên Telesale chuyên nghiệp trong một mảng lĩnh vực nào đó, bạn hoàn toàn có thể thử sức với nhiều lĩnh vực mới trong tương lai. Lộ trình thăng tiến của Telesale phụ thuộc rất nhiều vào khả năng quản lí thời gian và rèn giũa bản thân của mỗi người.
Vì vậy, bạn hãy không ngừng học hỏi và lập ra một lộ trình riêng của mình để có thể tiến xa trong cái nghề có phần khắc nghiệt này nhé.
Lĩnh vực nào cần Telesale?
Telesale được xem là một nghề cần thiết ở rất nhiều ngành nghề, nhưng đa số thường được áp dụng ở các lĩnh vực liên quan đến chăm sóc và dịch vụ khách hàng.
Bảo hiểm nhân thọ
Một loại hình dịch vụ được các công ty áp dụng hình thức marketing này thường xuyên để tiếp cận được với khách hàng. Các buổi webinar, workshop được tổ chức nhằm mục đích quảng cáo, tiếp thị về lợi ích khi sử dụng bảo hiểm. Sau khi thu thập đủ dữ liệu, nhân viên Telesale sẽ tiến hành tư vấn và đưa ra gói sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Bất động sản
Việc mua bán bất động sản luôn là vấn đề được quan tâm trong những năm gần đây. Các nhân viên Telesale được đào tạo chuyên sâu về cách tiếp thị và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, từ đó lên lịch hẹn và kí hợp đồng cam kết.
Dịch vụ viễn thông
Với sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin thì nhu cầu lắp đặt mạng Internet, 3G, 4G tốc độ cao ngày càng gia tăng. Lượng dữ liệu thu thập cực lớn, dễ dàng trong khâu tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Thêm vào đó, loại hình dịch vụ này được đa số mọi người quan tâm nên tiềm năng phát triển Telesale ở lĩnh vực này cực kì rộng mở đối với các nhà mạng.
Du lịch
Mức sống của dân số Việt Nam hiện nay đã tăng rất nhiều so với các năm trước, vì vậy mà nhu cầu du lịch và giải trí cũng không ngừng phát triển. Do tính chất công việc bận rộn, nên khách hàng có xu hướng thích nghe tư vấn qua điện thoại để tiết kiệm thời gian. Đây là một cơ hội tốt để dịch vụ Telesale phát triển.
Sinh viên chưa tốt nghiệp có làm Telesale được không?
Rất nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp băn khoăn Telesale là gì và thường đặt câu hỏi liệu mình có thể trở thành một nhân viên Telesale được không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể.
Như đã đề cập ở trên, đây là một nghề dành cho sinh viên bởi nhu cầu tuyển dụng là cực cao. Khi đảm nhiệm vị trí Telesale, bạn sẽ có cơ hội để phát triển kĩ năng mềm, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới mẻ về lĩnh vực mà bạn chọn.
Nếu đang theo học hoặc vừa mới tốt nghiệp những ngành liên quan đến kinh doanh, tiếp thị thì Telesale sẽ là một nghề để bạn có thể trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm để có thể tự tin phát triển sự nghiệp của mình trong tương lai.
Như vậy, ThuthuatOffice đã giúp bạn tìm hiểu chi tiết Telesale là gì, mức lương cơ bản, cũng như lộ trình thăng tiến khi đảm nhiệm vị trí nhân viên Telesale. Nếu có bất kì thắc mắc nào, bạn hãy bình luận phía bên dưới để được chúng mình giải đáp.
Xem thêm:
Nếu thấy bài viết này hữu ích đừng quên Like, Share, Comment và giới thiệu đến bạn bè, người thân để cùng nhau học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích từ ThuthuatOffice nhé.
Là gì -Intern là gì? Các thông tin hữu ích về Intern mà bạn cần biết năm 2021
Lỗi dính chữ trong Word và cách khắc phục nhanh chóng
Tuyển dụng là gì? Tuyển dụng có phải là quản trị nhân sự không?
Định mức 1776 là gì? Những điều cần biết để lập dự toán cho công tác xây dựng
4 cách thụt đầu dòng trong Word cực đơn giản và hiệu quả
Hiểu và nắm rõ cách sử dụng hàm RANDOM trong Excel
Tổng hợp 5 mẫu hoá đơn giá trị gia tăng mà doanh nghiệp nên biết